Quy định mật nghị hiện nay Mật_nghị_Hồng_y

Quy tắc chung

Theo quy định hiện hành, cách thức duy nhất bầu chọn giáo hoàng là mở cuộc bỏ phiếu kín, và ứng viên đắc cử phải có ít nhất 2/3 số phiếu của các cử tri có mặt tại thời điểm bầu cử.[7]

Theo truyền thống lấu đời, hai tính chất quan trọng của một Mật nghị Hồng y là tính cô lập và tính bí mật. Hiện nay, với Tông hiến mới nhất quy định về mật nghị, không có yêu cầu bắt buộc phải khóa kín các cửa ra vào và cửa sổ, chặn hành lang và thang máy. Đặc biệt, tính chất bí mật được kiểm tra cách nghiệm ngặt trước những phương tiện thu hình thu âm ngày nay. Theo quy định từ Tông hiến, trong thời gian mật nghị, các hồng y cử tri [dưới 80 tuổi] không được phép tiếp xúc với bên ngoài, không được đọc các báo chí, đài Radio, TV, điện thoại,.. nói chung là bất kì phương tiện liên lạc nào để liên lạc với bất kì người nào ngoài mật nghị. Nhiệm vụ của Hồng y Nhiếp chính là yêu cầu các kỹ thuật viên đáng tin kiểm soát mọi ngóc ngách nơi diễn ra mật nghị, phát hiện, tháo gỡ các thiết bị thu âm, thu thanh và thu hình có thể được gắn vào nơi đây. Ngoài các việc trên, tránh bị lợi dụng từ thế giới bên ngoài, luật cấm mọi sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc bầu chọn giáo hoàng. Hồng y nào nhận nhiệm vụ từ các chính phủ dân sự, đến mật nghị với yêu cầu phủ quyết bất kì ứng viên giáo hoàng nào, lập tức mang vạ tuyệt thông. Ngoài ra, để đảm bảo tính bí mật đối với các nhân viên phục vụ tại Mật nghị, Giáo hội Công giáo thiết lập vạ tuyệt thông tiền kết, chỉ được hóa giải bởi Tòa Thánh.[7]

Ngoài ra, trong Tông hiến, giáo hoàng cũng có đôi lời nhắc nhở:"Tôi cũng ra lệnh cho các hồng y cử tri, với tất cả trách nhiệm nặng nề trong lương tâm, phải giữ mọi bí mật về cuộc bầu giáo hoàng, kể cả sau khi đã bầu vị giáo hoàng mới và không được vi phạm điều đó bằng bất cứ cách nào, trừ khi được phép đặc biệt và rõ ràng của chính đức giáo hoàng. Ðể các hồng y cử tri có thể tránh được sự tò mò của người khác và các bẫy họ giăng ra làm thương tổn phán đoán độc lập và tự do quyết định của các vị, tôi tuyệt đối cấm, không được du nhập với bất kỳ lý do gì những máy móc để thu hoặc phát lại âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết vào nơi diễn ra cuộc bầu cử, và nếu các máy đó hiện diện tại nơi ấy, thì không được sử dụng".[7]

Quy tắc nhóm họp và bầu chọn

Mật nghị Hồng y khởi đầu bằng việc cử hành một thánh lễ cầu nguyện cho việc lựa chọn tân giáo hoàng. Các hồng y cử tri sau đó bắt đầu cuộc Mật nghị bằng một đoàn rước vào Nhà nguyện Sistina. Sau khi ổn định trong phòng bầu chọn, niên trưởng Hồng y đoàn đọc mẫu tuyên thệ, và mỗi hồng y, xếp hàng, tiến đến đặt tay trên Phúc âm, và tuyên thệ: ‘Tôi xin hứa quyết, bảo đảm và thề nguyền’. Ngoài tính bí mật được tuyên hứa được giữ gìn, các hồng y còn tuyên hứa giữ quy định Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ và các nghi thức tuyên thệ khác, ví dụ như: ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm giáo hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm mục tử của Giáo hội hoàn vũ’. Trong lịch sử, không có bất cứ mật nghị nào không có nghi thức tuyên thệ này. Sau khi các nghi thức tuyên thệ chấm dứt, vị trưởng ban lễ nghi tuyên bố cách rõ ràng và dõng dạc ‘extra omnes’, từ lúc đó, các cá nhân không có quyền tham dự mật nghị, phải rời Nhà nguyện Sistine.[15]

Theo quy định, mỗi ngày các hồng y phải nhóm họp hai lần, sáng và chiều, tại Nhà nguyện Sistina, để bầu chọn tân giáo hoàng. Mỗi buổi tụ họp như vậy, nếu điều kiện cho phép, có thể tổ chức hai vòng bỏ phiếu. Một yêu cầu tỉ mỉ hơn đối với việc lựa chọn giáo hoàng, hồng y cử tri khi bỏ phiếu, giơ cao lá phiếu và đọc lời tuyên thệ: "Tôi xin Chúa Kitô, Ðấng sẽ xét xử tôi, làm chứng rằng tôi bỏ phiếu cho người mà, theo Chúa, tôi thấy là phải bầu".[7] Ngoài ra, để đảm bảo mọi hồng y dù dã đến dự họp nhưng vì tuổi cao sức yếu, bệnh liệt giường, thì nằm tại Nhà trọ thánh Martha, khi đó có 3 hồng y đem thùng phiếu chọn đến tận phòng của vị ấy.[7]

Các hồng y sẽ viết sự tên ứng viên mình lựa chọn lên phiếu bầu và gấp lại làm đôi. Sau khi hoàn thành công việc chọn ứng viên, các hồng y xếp hàng đến nơi bỏ phiếu. Khi phiếu đã được bỏ xong, các hồng y kiểm phiếu thực hiện độc tác lắc mạnh thùng phiếu nhiều lần, nhằm mục đích hòa lẫn các phiếu, sau đó tiến hành kiểm đếm. Trong trường hợp phát hiện có số phiếu không tương ứng với số cử tri, thì tất cả phiếu này bị đốt đi, và các hồng y tiến hành bỏ phiếu lại.[16]

Nếu số lượng phiếu bầu tương đương số lượng hồng y cử tri, sẽ tiến hành xác định kết quả bầu chọn. Một trong 3 hồng y kiểm phiếu sẽ có trách nhiệm dùng kim khâu các lá phiếu đã kiểm tra kết quả.[16]

Nếu sau nhiều vòng bầu chọn đầu tiên, cụ thể là ba ngày đầu tiên bỏ phiếu mà các hồng y không thể chọn ra tân giáo hoàng, các hồng y cử tri phải dành một ngày, tập trung cầu nguyện, trao đổi ý kiến và nghe huấn dụ của Hồng y trưởng đẳng Phó tế, sau đó, tiếp tục thực hiện quy trình bầu cử khép kín. Trường hợp tiếp tục sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà vẫn không có kết quả, thì nhóm hồng y cử tri tiếp tục tạm dừng việc bầu cử, chú tâm cầu nguyện và trao đổi với nhau. Lại nếu sau 7 lần bỏ phiếu, mà vẫn chưa có kết quả chọn tân giáo hoàng, thì tiếp tục tạm ngưng và diễn ra các hoạt động như cũ.[7]

Cuộc bầu chọn trở nên phức tạp nếu đến lần bỏ phiếu thứ 33 hoặc 34 mà không kết quả 2/3 số phiếu thì các Hồng y được phát biểu ý kiến của mình về cách thức bầu cử mới, nếu cách đó đạt được đa số tuyệt đối các cử tri. Các hồng y cử tri cũng có thể tách riêng 2 vị đạt được số phiếu cao nhất, mời hồng y cử tri lựa chọn trừ chính hai vị ấy, vị nào đạt quá bán phiếu bầu chọn thì đắc cử được mời gọi phát biểu ý kiến về cách bầu cử và sau đó sẽ tiến hành việc bầu theo sự quyết định của đa số tuyệt đối các cử tri.[7]

Sau mỗi vòng bầu chọn, các lá phiếu bầu chọn sẽ bị đốt trong một bếp lò đặt tại góc tường nhà nguyện. Theo truyền thống, khói đen bốc lên từ ống khói từ việc đốt cháy các lá phiếu, bay lên trên nóc nhà nguyện biểu thị một vòng bỏ phiếu chưa thu được kết quả. Khói trắng bốc lên, và bắt đầu từ năm 2005 có kèm theo chuông reo từ Thánh đường Thánh Phêrô, là dấu hiệu cho thấy các hồng y đã chọn được giáo hoàng.[17][18] Theo cách truyền thống rơm ẩm được cho thêm vào để tạo khói đen, tuy nhiên khói này có thể bị hiểu lầm, như vào ngày 26 tháng 10 năm 1958, khói trắng pha đen thành màu xám bay ra.[19] Do đó kể từ năm 1963, hóa chất đã được thêm vào quá trình đốt cháy. Trong mật nghị năm 2013, Vatican đã tiết lộ các hóa chất được sử dụng để tạo màu cho khói:[20][21][22]

Sau khi bầu chọn thành công, các hồng y tiến đến chúc mừng tân giáo hoàng, đồng thời có hành động bày tỏ sự vâng phục tuyệt đối vị tân giáo hoàng. Mọi nghi thức kết thúc, vị Hồng y trưởng đẳng Phó tế loan báo cho dân chúng tụ tập quanh Tòa Thành danh hiệu mà tân giáo hoàng đã chọn, bằng lời chào Habemus Papam. Tân giáo hoàng sẽ tiến ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô ban phép lành cho Roma và toàn thế giới Urbi et Orbi.[7]

Ngoài ra để ngăn sự thoái thác của người đắc cử, Giáo hoàng Gioan Phaolô II có đôi lời nhắn nhủ:"Tôi xin vị đắc cử đừng vì sợ gánh nặng của chức vụ mà tránh né trách vụ đã được kêu gọi lãnh nhận, trái lại hãy khiêm tốn tuân phục ý định của Chúa. Vì Thiên Chúa, Ðấng trao trách vụ ấy, cũng sẽ nâng đỡ để người đắc cử có thể vác nổi gánh nặng đó".[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mật_nghị_Hồng_y http://www.hidden-knowledge.com/titles/magnificat/... http://online.liebertpub.com/doi/abs/10.1089/elj.2... http://news.nationalgeographic.com/news/2001/11/11... http://www.osv.com/catholicalmanac/conclave.asp http://www.popes-and-papacy.com/popes_and_the_papa... http://www.religionfacts.com/christianity/features... http://www.youtube.com/watch?v=3BfSokzzScg http://www.youtube.com/watch?v=bbFc1vTszVE http://www.youtube.com/watch?v=sY_ZlS53euM http://www.csun.edu/~hcfll004/Conclave-Bibliograph...